Nơi Bình Yên Ta…Viết…

Monthly Archives: Tháng Chín 2012

SONY DSC
Tulip Châu Sa

Thương Tặng Con Trai Yêu Của Mẹ,
Khuất Hoàng Nguyên Chương!
Niagara Falls, Canada, Sept 28, 2012

Hôm nay con lên mười
Mẹ dạy con điều cũ
Thời mẫu giáo con ơi!
Mẹ mỗi ngày lãi nhãi

Luôn giữ tay cho sạch
Không ném đất bạn bè
Chia sẻ nhau mọi thứ
Công bình trong cuộc chơi

Vật chi con mượn dùng
Trả về nguyên chỗ cũ
Không giữ riêng vật dụng
Chẳng phải thuộc về mình

Con không được lặng thinh
Phải thành tâm xin lỗi
Khi con lỡ tổn thương
Làm đau lòng bè bạn!

Thức ăn dùng khi nóng
Uống sữa lạnh mỗi ngày
Sống sao cho lành mạnh
Là mẹ vui mẹ mừng

Hãy cất cao tiếng hát
Mỗi sáng khi tới trường
Giờ chơi cùng chúng bạn
Hết mình với cuộc vui

Lúc ngồi trong lớp học
Không nói chuyện thì thầm
Cùng bạn học kề bên
Tiếp thu và suy nghĩ.

Bước chân ra phố thị
Quan sát cận bốn bề
Nắm tay chị tay ba
Đề phòng khi nguy hiểm.

Tôn chỉ cho cuộc sống
Là Kính Chúa yêu người!
Thành tâm và trung thực
Với Chúa khi cầu xin.

Hôm nay con lên mười,
Ngoài những lời chúc đẹp
Mẹ nhắc con điều cũ
Sợ lâu rồi…con quên!

Chúc cho con của mẹ
Sinh Nhật trọn ngày vui
Bắt đầu sang tuổi mới
Song hành cùng ước mơ!


SONY DSC
Tulip Châu Sa

Hôm nay mình bậc mí với các bạn điều này. Mình vốn yêu núi rừng từ thuở bé thơ. Lý do đơn giản lắm.

Thuở lên hai thì mình đã phải sống xa cả Cha và Mẹ rồi. Sau năm 1976 Cha mình bị bắt đi tù…cải tạo vì Cha là “Ngụy Quyền”, Cha bị giam trên vùng rừng sâu núi thẳm Kim Sơn tỉnh Bình Định. Còn Mẹ của mình thì đi làm mướn tận trên Vùng Miền Núi Huyện Sơn Hà sau khi tất cả tài sản của gia đình bị tịch thu và cưỡng chế. Tuổi thơ mình sống với gia đình bên Ngoại. Mình thương Cha Nhớ Mẹ và luôn hình dung hình dáng bé nhỏ của họ đang lôm khôm mất hút trên chốn Rừng Núi hoang vu. Và cứ thế, Núi Rừng gắng với đời mình từ trong tâm tưởng từ bé thơ cho đến tận bây giờ! Trong trái tim mình, Cha là TRƯỜNG SƠN DÁNG NÚI, mẹ LÀ SUỐI NGỌT RỪNG THIÊNG! Mãi mãi là như thế không bao giờ thay đổi!

10525629_248456968686314_8460818148502575993_n

Cũng có lẽ vì thế mà một trong những lý do mình chọn thi vào Văn Khoa Đà Lạt để được sống và trãi nghiệm những điều thú vị của Núi rừng năm 1991. Cũng vì thế mà mình quyết tâm chinh phục đỉnh Fanxipan, đỉnh núi cao nhất vùng Đông Nam Á, nằm trong Dãi Hoàng Liên Sơn, tỉnh Lai Châu vào Tháng 8 năm 2010. Và cũng bởi vì thế mình thường cải trang thành cô sơn Nữ khi có cơ hội! Nếu cuộc sống đưa đẩy mình lạc vào bộ lạc Amazon, chắc mình không ngần ngại hòa nhập cùng với họ đâu! Mình thích nữa là khác.  Mình chỉ từ chối và xin được…khác họ một điều, đó là mình phải mặc trang phục toàn thân (chứ không chỉ mặc có…váy)! :-)

Sơn Nữ 1998


SONY DSC
Tulip Châu Sa

(Viết cho em, Hoàng Khương)

Khương đã ốm đi thật nhiều sau 8 tháng tạm giam trong nhà tù nhỏ của chính quyền Việt Nam.

Dù vậy, tôi cũng không nhận thấy KHÍ PHÁCH em có chút gì thay đổi.  Giống như từ đầu, như em vẫn luôn KHÍ PHÁCH thế.  Tôi nghĩ, chẳng phải chỉ có  nhà Văn Thùy Linh và đọc giả như tôi bị ám ảnh bởi nụ cười của em hôm ra tòa, mà tất cả cộng đồng công dân mạng cả thế giới điều ám ảnh (nghe có vẻ mâu thuẩn!) trước nụ cười hiền lương đó.  Nụ cười ngày nào vào khám, nụ cười tự tại trước bản án phi lý trong tòa án bù nhìn, nụ cười khi em bước lên chiếc xe tù bịt bùng trở lại nhà giam sau khi bị tuyên án 4 năm tù giam oan ức, tất cả những nụ cười hiền lành của Khương, hiển nhiên toát lên KHÍ PHÁCH HOÀNG KHƯƠNG.  KHÍ PHÁCH của một người biết mình hoàn toàn vô tội, KHÍ PHÁCH trung trinh của Khương đối với lợi ích chung của nhân dân.  Một chiến sĩ chống tham nhũng đúng nghĩa.

Nụ Cười Hoàng Khương trước tòa án bù nhìn

Hơn ai hết, Khương là một ký giả, ký giả của mảng nội chính cho một tờ báo lớn và danh tiếng chống tham nhũng.  Khương có nhiều đồng nghiệp, mà đồng nghiệp của em từng vào tù ra khám với tội danh vô cùng trớ trêu, mờ ám và lãng nhách, Khương hiểu những ngày sắp tới của Khương phải đối diện là như thế nào.  Trước khi đoán biết mình sẽ bị bắt (vì lại có thêm “con sâu” vừa bị em “hạ gục”), việc đầu tiên Khương nhanh chóng thực hiện một cách âm thầm, ấy là điềm tĩnh về Nha Trang thăm Mẹ đang ốm nặng, bởi vì em biết, khi đã vào tù, chưa biết chừng nào trở ra, ngày em trở ra, chắc gì còn cơ hội gặp lại mẹ.  Gia đình giấu nhẹm tin xấu về Khương với Mẹ già.  Khương an ủi động viên Cha và người thân vững an tinh thần.  Sau đó, Khương lặng lẽ trở về Sài Gòn từ biệt bạn bè, đồng nghiệp qua những lá điện thư ngắn ngủi và cũng đầy KHÍ PHÁCH.  Vài ngày trước khi công an đến nhà và văn phòng Khương khám xét, bắt tạm giam em để truy tố Khương tội “hối lộ nhân viên công quyền” tôi nhận được điện thư Khương vỏn vẹn mấy dòng: “Em đã hành động đúng phải không chị?  Em sẽ ngẩng cao đầu và không bao giờ khuất phục trước bọn chúng, bọn họ luôn mồm  “nhân danh công lý” (nhưng làm gì có!).  Xin chị yên tâm, Khương đã xác định rồi.  Nếu còn ngày nào cầm bút, em sẽ tiếp tục đối đầu (dẫu không cân sức) với lũ sâu mọt ấy.” Tôi đã hồi âm vội vàng cho em vài dòng (sau cuối) “đất nước Việt Nam thân yêu của mình đang rất cần (thật nhiều) những người cầm bút như em, sao lại bảo “nếu còn ngày nào cầm bút’?.  Dũng cảm như em vẫn luôn dũng cảm!  hãy tin vào Thiên Lý!” (chứ không phải nhân lý).  Rồi thôi, em đi, từ đó đến nay đã hơn 8 tháng.  Nói như một tù nhân Trung Quốc ghi lại trong nhật ký của mình rằng “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” (mà sau này nghiễm nhiên trở thành “Ngục Tung Nhật Ký-của Ngài Hồ Chí Minh”-lại một sự thật bị bưng bít chưa biết bao giờ mới được làm sáng tỏ, mới thôi lừa phỉnh dân tộc Việt Nam tôi! Mới thôi đem vào nhà trường rêu rao gieo rắc vào những trí óc ngây thơ sự dối trá mà cả bản thân tôi cũng đã một thời bị nhồi nhét mãi đến khi ra hải ngoại tôi mới được tiếp cận với SỰ THẬT VÀ ÁNH SÁNG).  Tám tháng tạm giam ký giả Hoàng Khương trong nhà tù đã lãng phí hết bao nhiêu cái “thiên thu” thời gian của một nhân tài quí hiếm trong xã hội Việt Nam hiện tại.

Tôi vốn đa mang.  Nhìn vào hoàn cảnh của Khương lúc đó, tôi bàng hoàng không thốt nên lời.  Mẹ già bệnh nặng.  Cha già xót xa đau khổ vì Khương gặp nạn.  Vợ hiền thai nghén, con trai bé bỏng mang chứng bệnh kinh niên bất trị.  Làm sao không đau lòng cho được khi nghĩ về Khương? Có nhiều người lúc đó thốt ra rằng Hoàng Khương “ngu dốt”, hoàn cảnh khó khăn như vậy mà “tự nộp mình”.  Thật là một lối suy nghĩ và xét đoán nông cạn ích kỷ.  Không lẽ, khi đứng trước khó khăn thì con người ta phải sống khác đi với bản chất tốt và lương thiện của mình ư?  Phải hành động trái với lương tâm nghề nghiệp để phản bội lại nhân dân là người chủ đất nước đã đặt lòng tin ở mình ư!? Phải cuối đầu chịu khuất phục trước cái xấu, cái ác, cái bạo tàng ư!?.  Tôi hoàn toàn đồng ý với Bác Trần Văn Huỳnh, thân phụ của nhà hoạt động Nhân Quyền, Anh Trần Huỳnh Duy Thức đang chịu án tù oan tại nhà tù Xuân Lộc, Đồng Nai rằng: “Một dân tộc mà hầu hết đều là những con người khiếp sợ thì dân tộc đó không thể có tiền đồ tốt đẹp”.  Nhưng rồi, chính cái nụ cười KHÍ PHÁCH ngày Khương bị bắt tạm giam đã giúp tôi trút hết những u ám nặng nề trong lòng tôi lúc đó.  KHÍ PHÁCH HOÀNG KHƯƠNG giúp tôi trấn tĩnh lại và suy nghĩ về vụ việc không may của Khương một cách thông suốt.

“Em sẽ ngẩng cao đầu và không bao giờ khuất phục trước bọn chúng.  Bọn họ luôm mồm “Nhân danh công lý” (nhưng làm gì có!)…Nếu còn ngày nào cầm bút, em sẽ tiếp tục đối đầu (dẫu không cân sức) với lũ sâu mọt ấy.” –  Ký giả Hoàng Khương, trước khi bị bắt tạm giam ngày 2 tháng 1, 2012.
 
Bàn và phân tích về bản chất vụ án ký giả Hoàng Khương thì đã có quá nhiều nhà báo chuyên nghiệp độc lập “lề trái” đề cập rất rõ ràng, chính xác.  Một trong những vấn đề được nghi vấn ấy là “liệu từ sau vụ án Hoàng Khương, có còn nhà báo nào dám dũng cảm xông pha chống tham nhũng như Hoàng Khương nữa không?”.  Câu hỏi đầy nghi vấn ấy trong cái xã hội công an trị, cái xã hội mà quyền lực hoàn toàn nằm trong tay của bọn Tư Bản Đỏ, số ít còn lại có nhân tâm cũng phải lờ đi hoặc tiếng nói của họ không hề được đám em út thèm để ý tới, thì câu hỏi kia quả thật khó có câu trả lời cách khẳng định được.  Nếu thật sự không còn ai quả cảm như Hoàng Khương, thì đòn “dằn mặt các ký giả chống tham nhũng” của công an quả là nặng ký và hiệu quả.

Nhưng có thật sự hiệu quả trong hoàn cảnh thông tin bùng nổ khắp nơi trên đất nước Việt Nam hiện nay không? Nhất là trong bối cảnh cực kỳ bất an về mọi mặt từ kinh tế, chính chị, quân sự của Việt Nam, tất cả điều đang đứng bên bờ vực của sụp đổ.

Chiều nay, tôi vừa từ khoa cấp cứu về nhà vì chứng bệnh dị ứng, thấy tôi đăm chiêu trước những bài báo viết về phiên tòa sơ thẩm Hoàng Khương mà tôi đã in ra từ văn phòng làm việc chiều qua mang về nhà tìm thời gian rãnh đọc lại, con trai tôi nhìn hình Hoàng Khương rồi reo lên “Ah, uncle Khương!”, nửa Anh nửa Việt con tôi hỏi tiếp “did they release cậu Khương mẹ?”(“Họ đã thả cậu Khương chưa mẹ?”).  Chả là hơn 8 tháng trước tôi đã chia sẻ với con trai tôi và chi Hai nó về hoàn cảnh của Hoàng Khương, tôi giới thiệu rằng tôi từng học chung trường với “cậu Khương hồi mẹ còn sống ở Việt Nam với ông bà Ngoại”. Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt đứa con trai chín tuổi đang chờ câu trả lời của tôi rồi hỏi bằng Tiếng Việt “con nghĩ thế nào?”.  Con tôi dõng dạc đến ngây thơ: “they can’t harras people who tell the truth mother!” (Tôi tạm dịch: “họ không thể bắt bớ những người nói lên sự thật mẹ ạ!”).  Tôi đành cay đắng trả lời thật với con tôi ( lần này thì tôi nói bằng tiếng Anh cho con tôi dễ hiểu) rằng “họ mang cậu Khương ra tòa xét xử sau 8 tháng tạm giam, và cậu đã bị kết án 4 năm tù giam cho việc tốt cậu đã làm suốt thời gian tác nghiệp của cậu, đó là đã nói lên sự thật và ngăn chặn cái xấu đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân lương thiện và nghèo khổ con ạ!”.  Con tôi mở tròn đôi mắt và kêu lên “that’s the stupid thing to do on earth”.  Tôi nhắc nhở con tôi không được dùng từ “stupid” trong giao tế, con tôi nói xin lỗi mẹ.  Nhưng con trai tôi nào có sai đâu, không những ngu ngốc mà còn ngu ngốc đến độc ác nữa.

Tôi sợ con mình hỏi thêm những câu hỏi giống như cậu bé 9 tuổi Trần Huỳnh Duy Thức của mấy mươi năm trước đã bắt bí phụ thân khi cậu chập chững tìm hiểu “làm sao để có nhân quyền?”.  Tôi định lái câu chuyện sang hướng khác, chưa kịp thực hiện ý định của mình con trai tôi, 9 tuổi, hỏi tiếp “khi cậu Khương bị bắt, mẹ bảo con rằng ở nước Việt Nam mình (mẹ con tôi gọi là ‘our native country’), ai dám nói lên sự thật, để góp ý hoặc chống lại những việc làm sai của chính quyền về mọi mặt điều bị kết tội đi tù, thế không có cách nào chống lại hành động đó của họ sao?”.  Tôi nhanh nhẩu, con đã học ở trường và đã hiểu “Cọng Sản là một fail system, mọi hành động của họ điều chỉ phục vụ lợi ích cá nhân của nhóm nắm quyền, mà quyền lực thì có mấy ai cưỡng lại nổi”.  “Có chứ!”-con tôi trả lời “Có uncle Khương”.  Tôi chia sẻ với con trai về nụ cười của Hoàng Khương ở tòa án, nó bảo rằng “mẹ thấy không?  cậu ấy biết là trên đời có Thiên Lý, cậu bình thản vì cậu biết có Thiên Chúa ở cùng với cậu và cậu đủ sức chống lại họ chứ! Mẹ nhìn cậu cười trước đám đông (con tôi dùng từ ‘a group of policemen’) cảnh sát nè!”.  Tôi ôm con mình vào lòng và nghĩ đến điều ngây thơ nó vừa chia sẻ mà chí tình, chí lý.  Con gái tôi bước vào, thằng em nói ngay “Chị Hai, uncle Khương bị phạt 4 năm tù”, con gái tôi nhìn mẹ “lần này cậu ấy lại chống đối ai vậy mẹ!?”.  Chưa kịp trả lời con gái cho rõ ngọn nghành, thằng em lại PHÁN :”mẹ này, nếu tất cả các nhà báo ở Việt Nam mình (our native country) điều dám làm như uncle Khương thì làm sao mà cảnh sát bắt bớ họ được hở mẹ?”.

Phải! Con tôi nghĩ đúng! Và không hẳn đòn trả thù dằn mặt cánh báo chí của công an thật sự hiệu quả trong hoàn cảnh thông tin bùng nổ khắp nơi trên đất nước Việt Nam hiện nay, nhất là trong bối cảnh cực kỳ bất an về mọi mặt từ kinh tế, chính chị, quân sự của Việt Nam, tất cả điều đang đứng bên bờ vực của sự suy yếu và sụp đổ.  Hơn 90% người dân không còn đặt niềm tin của mình vào sự lãnh đạo của cung Vua lãnh Chúa Ba Đình.

Nếu hơn 17 ngàn nhà báo tại Việt Nam điều có lòng quả cảm và tác nghiệp giống như Hoàng Khương, sự thể quốc gia bây giờ có lẽ đã khác (tốt hơn phần nào).  Chỉ có những con người lao động chân chính mới hiểu hết sự cùng khổ của người dân.  Chỉ có họ mới đủ tư cách để bàn đến hai chữ CAO THƯỢNG.  Hoàng Khương là một trong số ít những người đó.  Đất nước đã đang đứng trước bờ vực của sự diệt vong.  Nhân tài bỏ nước ra đi để tránh bị đàn áp và bị bỏ tù oan ức.  Số nhân sĩ còn lại một lòng gắn bó với số phận của người nông dân, và giai cấp công nhân cùng khổ, họ đã đứng hẳn về phía nhân dân chống lại chính quyền phản động.  Họ, trong đó có các nhân sĩ và nhà báo, nhà văn đã phản kháng, lên án những sự trả thù, khủng bố trắng trợn những người yêu nước từ phía nhóm cầm quyền phản động một cách công khai không khoang nhượng.  Thế thì làm sao có thể nghi vấn rằng “sau vụ án Hoàng Khương, còn ai dám cam đảm trên chiến tuyến chống và bài trừ tham nhũng” được?  .

Bạn nghĩ gì về KHÍ PHÁCH một HOÀNG KHƯƠNG thách thức trước toàn án khi nói lời cuối cùng tại tòa vẫn như trước khi bị bắt tạm giam “Nếu được viết, tôi sẽ tiếp tục phanh phui tiêu cực..”?  Xuyên suốt phiên tòa, Khương không hề nhận mình có tội, không hề xin được khoang hồng.  Khương chỉ cam đảm và chân thành xin lỗi đồng nghiệp cùng Báo Tuổi Trẻ đã vì sự sơ sót (quá nhiệt thành) trong quá trình tác nghiệp của Khương khiến ảnh hưởng đến uy tín của tờ báo.  Nói như cách phân tích của một Blogger (tôi quên tên), việc Khương nhắc lại quan tòa xem xét lại toàn bộ sự đóng góp thành công của Khương trong suốt quá trình tác nghiệp đã giúp ích cho nghành công an làm trong sạch bộ máy của mình ấy không phải là cách mà Hoàng Khương muốn xin họ khoang hồng.  Đó là cách Hoàng Khương chỉ trích sự mâu thuẩn trong quá trình xét xử của tòa án.  Theo tiền lệ của tòa án bù nhìn Việt Nam, họ giảm án cho những ai vâng vâng dạ dạ trước tòa và cuối đầu nhận cái tội họ gán cho thì mới được khoang hồng, nếu “ngoan cố” sẽ giữ nguyên y án. (Như trường hợp anh Trần Huỳnh Duy Thức đã không nhận tội như các “đồng phạm” đã ra tòa cùng anh), trường hợp kết án 4 năm tù Hoàng Khương so với mức kêu án 7 năm tù giam ban đầu trong khi em không hề nhận tội họ gán cho, tự nó cũng đã nói lên có điều gì bất ổn trong quá trình xét xử vụ án của em Khương, ai cũng hiểu không dễ gì tòa án bù nhìn kia phá bỏ cái tiền lệ nuôi sống bộ lông đang che chắn những thối nát bên trong nó được.

Hơn thế nữa, bên cạnh Hoàng Khương còn rất nhiều bạn đồng nghiệp cùng chí hướng, quan tâm và ủng hộ tinh thần của Hoàng Khương, và nhất là tình yêu trung thành và lòng tin tưởng tuyệt đối của Hoàng Anh, vợ của Hoàng Khương dành cho Khương trong cơn hoạn nạn, đủ để tiếp sức cho Khương giữ vững KHÍ PHÁCH của mình.  Vì thế,  tôi tin chắc rằng, KHÍ PHÁCH HOÀNG KHƯƠNG trong khi tác nghiệp, lúc bị bắt tạm giam, khi hiện diện trong tòa án bù nhin, cả ngay lúc bước ra khỏi tòa án sau khi bị tuyên án 4 năm tù giam sẽ loang truyền đi khắp nơi nhanh chóng.  KHÍ PHÁCH đó sẽ như ngọn lửa được tiếp nối bởi hơn 17 ngàn nhà báo đang đứng trước sự bức xúc về bản án dành cho Hoàng Khương.  Hoàng Khương chắc chắn sẽ không được ân xá như lời kêu gọi của Nhóm Phóng Viên Không Biên Giới tại Paris sau phiên tòa Phúc Thẩm sắp tới.  Nhưng hơn 17 ngàn cây bút còn lại,  họ cũng là những người tri thức, họ sẽ tự quyết định số phận của mình, hoặc suốt đời làm những tên bồi bút, đặt cái chức, cái quyền, cái ghế không được tạo nên bằng tình thương và lòng tin của người dân (mới vững an) lên trên lợi ích chung của cả dân tộc để phục vụ cái ác, hoặc họ sẽ đồng loạt đứng lên cùng với các nhân sĩ yêu nước và nhân dân lao động cần lao vô sản chống lại cái ác đã mấy chục năm lộng hành, phản bội dân tộc, phản bội tiền đồ của Tiền Nhân để lại bằng chính xương máu của họ.

Sept 12, 2012